Mụn rộp sinh dục: Làm gì khi đã được chẩn đoán!?

Mụn rộp sinh dục là một bệnh lý do virus herpes simplex (HSV) gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng qua quan hệ tình dục không an toàn, kể cả khi không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh khi đã xảy ra tổn thương hoặc lây nhiễm cho bạn tình. Việc phát hiện bệnh sớm và có hướng xử lý đúng sẽ giúp kiểm soát tốt triệu chứng, hạn chế tái phát và ngăn chặn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng nhận biết mụn rộp sinh dục

Mụn rộp sinh dục không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ rệt, tuy nhiên trong các đợt bùng phát, người bệnh có thể nhận thấy:

  • Xuất hiện các mụn nước li ti hoặc nốt nhú trên cơ quan sinh dục, bìu, hậu môn hoặc vùng da xung quanh. 
  • Mụn nước thường mọc thành chùm, sau đó vỡ ra gây loét, đau nhức và bỏng rát. 
  • Kèm theo cảm giác ngứa râm ran hoặc khó chịu vùng tổn thương. 
  • Khi tái phát, có thể kèm theo: sốt nhẹ, đau cơ, mệt mỏi, nổi hạch bẹn, tiểu buốt, tiểu dắt, đau khi quan hệ tình dục. 
  • Một số trường hợp có biểu hiện chảy mủ ở lỗ sáo (nam) hoặc tăng tiết dịch âm đạo có mùi hôi (nữ). 

Lưu ý: Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt trong giai đoạn tổn thương chưa lành, dù đã sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su.

Mụn rộp sinh dục: Làm gì khi đã được chẩn đoán!?

Xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục

Việc xét nghiệm chính xác giúp xác định đúng tình trạng bệnh và loại virus gây bệnh (HSV-1 hoặc HSV-2). Một số xét nghiệm phổ biến gồm:

  • Xét nghiệm PCR (kỹ thuật sinh học phân tử)
    Giúp phát hiện chính xác DNA của virus HSV ngay cả khi không có triệu chứng. Mẫu bệnh phẩm thường lấy từ dịch vùng loét hoặc đường tiết niệu. 
  • Nuôi cấy tế bào
    Bác sĩ sẽ lấy mẫu từ vùng tổn thương để nuôi cấy và quan sát virus dưới kính hiển vi. Phương pháp này tuy chính xác nhưng có thể cho kết quả âm tính giả nếu tổn thương đã lành. 
  • Xét nghiệm máu và miễn dịch huỳnh quang
    Dùng để phát hiện kháng thể HSV trong cơ thể. Tuy nhiên, cần vài tuần sau nhiễm mới xuất hiện kháng thể. Phù hợp cho các trường hợp không có triệu chứng rõ ràng hoặc nghi ngờ nhiễm virus lâu dài. 

Bác sĩ Hạ Hồng Cường chia sẻ:

“Việc xác định chủng HSV có vai trò rất quan trọng trong tiên lượng bệnh. HSV-2 thường gây ra các đợt tái phát nghiêm trọng hơn so với HSV-1. Vì vậy, chẩn đoán chính xác sẽ giúp định hướng điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.”

Mụn rộp sinh dục: Làm gì khi đã được chẩn đoán!?

Làm gì khi đã được chẩn đoán mắc mụn rộp sinh dục?

Chẩn đoán mắc bệnh có thể gây sốc, lo lắng và ảnh hưởng đến tâm lý, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh nếu tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống đúng đắn.

Một số lời khuyên từ bác sĩ Hạ Hồng Cường:

  • Giữ tâm lý ổn định 
    • Không nên hoang mang hoặc tự trách bản thân. 
    • Virus herpes có thể tồn tại âm thầm nhiều năm trong cơ thể mà không phát bệnh. Việc xác định ai là người lây nhiễm và thời điểm lây nhiễm là điều rất khó. 
  • Chủ động chia sẻ với bạn tình 
    • Cởi mở và trung thực sẽ giúp xây dựng niềm tin và cùng nhau tìm hướng xử lý. 
    • Tránh đổ lỗi hoặc nghi ngờ, vì điều này chỉ khiến tâm lý cả hai thêm nặng nề. 
  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ 
    • Sử dụng thuốc kháng virus đúng liều, đúng thời gian để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. 
    • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc khi chưa có chỉ định. 
  • Theo dõi các đợt bùng phát 
    • Ghi lại thời điểm khởi phát, biểu hiện và diễn tiến của tổn thương để trao đổi lại với bác sĩ khi tái khám. 
    • Hạn chế quan hệ tình dục trong giai đoạn đang có tổn thương. 
  • Chăm sóc cá nhân đúng cách 
    • Giữ vùng kín sạch sẽ, khô thoáng. 
    • Mặc đồ lót thoải mái, không bó sát. 
    • Tránh gãi hoặc chạm tay vào vết loét để giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. 

Mụn rộp sinh dục: Làm gì khi đã được chẩn đoán!?

Hướng phòng ngừa mụn rộp sinh dục hiệu quả

  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình rõ ràng về tiền sử bệnh lý. 
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn. Nếu quan hệ bằng miệng, sử dụng tấm chắn miệng để hạn chế tiếp xúc da – da. 
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước và sau khi quan hệ. 
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, dao cạo, đồ lót, kim tiêm… 
  • Chủ động đi khám khi có dấu hiệu bất thường ở vùng sinh dục hoặc khi bạn tình có tiền sử mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. 

Lưu ý đặc biệt đối với phụ nữ mang thai

  • Nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch sinh con, hãy thông báo với bác sĩ ngay khi có tiền sử mụn rộp sinh dục. 
  • Nhiễm HSV trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây sảy thai, sinh non hoặc lây nhiễm trong lúc sinh. 
  • Bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cách theo dõi và điều trị phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ cho mẹ và bé. 

Kết luận:

“Mụn rộp sinh dục không phải là dấu chấm hết cho đời sống tình dục hay sức khỏe lâu dài của bạn. Điều quan trọng là phải hiểu rõ về bệnh, tuân thủ điều trị, sống lành mạnh và biết cách bảo vệ bản thân cũng như bạn tình. Đừng ngần ngại đi khám khi nghi ngờ – phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh và tự tin hơn.”

Nếu bạn hoặc bạn tình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, đừng chần chừ – hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách. Việc chủ động trong chăm sóc sức khỏe tình dục là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và những người thân yêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *